HỢP ĐỒNG VAY TIỀN KHÔNG GHI THỜI HẠN TRẢ NỢ: TRANH CHẤP PHÁP LÝ - LUẬN GIẢI VÀ KHUYẾN CÁO!

Có nhiều Bà con khi giao dịch vay tiền của nhau, dù được thể hiện dưới dạng Văn bản như: Hợp đồng vay tiền hoặc Giấy nhận nợ .... Nhưng không ít trường hợp trong số đó, Bà con lại không ghi thời hạn trả nợ vay!
Điều này dẫn đến những tranh chấp pháp lý không đáng có. Bên cho vay thì nghĩ rằng: Vì không ghi thời hạn trả nợ, nên muốn đòi lúc nào thì đòi; Còn bên đi vay, lại cho rằng: Vì không ghi thời hạn, nên muốn trả lúc nào cũng được. Từ đó dẫn đến việc kiện tụng lẫn nhau.
Nhằm giúp Bà con hiểu thêm vấn đề đang bàn đến, cũng như có phương án bảo vệ quyền lợi của mình, trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ luận giải, phân tích các nội dung pháp lý có liên quan đến Hợp đồng vay tiền không ghi thời hạn trả nợ, để Bà con tham khảo!
I. Bản chất pháp lý của Hợp đồng vay không thời hạn
Hợp đồng vay tiền không ghi thời hạn trả nợ, trong ngôn ngữ pháp lý gọi là Hợp đồng vay không kỳ hạn. Nghĩa rằng vào thời điểm giao kết hoặc/và thực hiện Hợp đồng: Tất cả Các Bên tham gia, đều không biết, không xác định được thời điểm nào sẽ phải trả nợ.
Ví dụ 1: Ông A cho Ông B vay 500 triệu đồng, lãi suất 1%/Tháng, thời hạn vay là 06 tháng. Đây là Hợp đồng vay có kỳ hạn, tức là Hợp đồng vay có ghi rõ thời hạn trả nợ vay: 06 tháng.
Ví dụ 2: Bà H cho Bà N vay 1 tỷ đồng, lãi suất 1%/Tháng, không ghi thời hạn vay, thời hạn trả nợ. Đây là Hợp đồng vay không kỳ hạn, tức là Hợp đồng vay không ghi rõ thời hạn trả nợ vay là lúc nào.
Tuy nhiên, Bà con không nên cho rằng: Hợp đồng vay không kỳ hạn, không ghi thời hạn trả nợ, nghĩa rằng thời hạn vay là "Vô thời hạn" - Đương nhiên không phải vậy; Chỉ là việc xác định thời điểm trả nợ của loại hợp đồng này, trở nên phức tạp hơn một chút mà thôi.
II. Tranh chấp về việc xác định thời điểm phải trả nợ
Nếu Bà con cho rằng, việc Hợp đồng vay không ghi thời hạn trả nợ, Bên cho vay sẽ chịu bất lợi, Bên đi vay sẽ hưởng lợi: Hoàn toàn không phải vậy. Mà tùy vào trường hợp cụ thể, nó có thể bất lợi cho Bên này hoặc Bên kia!
Lý do - Luật quy định rằng: Đối với Hợp đồng vay không ghi thời hạn trả, thì Bên cho vay có quyền đòi lại tiền vào "Bất kỳ lúc nào" nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Quy định này, có 02 yếu tố Bà con phải lưu ý:
1. Thứ nhất: Được đòi nợ vào bất kỳ lúc nào
Đối với Hợp đồng vay có kỳ hạn, tức có ghi thời hạn trả nợ, thì Bên cho vay, chỉ được đòi khi đã đến hạn.
Ví dụ 3: Ông A cho Ông B vay 500 triệu đồng, lãi suất 1%/Tháng, thời hạn vay là 06 tháng. Thì phải đợi tròn 06 tháng, Ông A mới được quyền đòi Ông B trả nợ cho mình.
Tuy nhiên - Đối với Hợp đồng vay không kỳ hạn, không ghi thời hạn trả thì Bên cho vay có quyền đòi nợ bất kỳ lúc nào.
Ví dụ 4: Bà H cho Bà N vay 1 tỷ đồng, lãi suất 1%/Tháng, không ghi thời hạn vay, thời hạn trả nợ. Trong trường hợp này, Bà H có quyền đòi nợ bất kỳ lúc nào, chỉ cần báo trước thời gian hợp lý. Có thể mới cho vay 15 ngày, cũng đã được đòi.
Rõ ràng - Từ những phân tích trên, rất khó, để nói Bên vay có lợi vì Hợp đồng không ghi thời hạn, thậm chí có thể nói ngược lại.
2. Thứ hai: Được đòi nợ bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước thời hạn hợp lý
Nhưng thế nào và trong bao lâu là "Hợp lý", thì Luật lại bỏ ngỏ không quy định.
Một khoản vay 10 triệu, báo trước phải trả trong vòng 10 ngày, có thể hợp lý, nhưng khoản vay 500 triệu, báo trước 10 ngày có được xem là hợp lý?!
Và đối với những khoản vay hàng tỷ đồng, thì phải báo trước bao lâu là hợp lý: 1 tháng, 3 tháng, hay 6 tháng?! Tranh chấp chính là ở chổ này: Bên cho vay, cho rằng báo trước như thế là hợp lý, ngược lại, Bên vay luôn nghĩ rằng, như thế là không hợp lý.
3. Phương án đề xuất
Từ phân tích trên, cho thấy rằng: Hợp đồng vay không kỳ hạn, không ghi thời hạn trả nợ, luôn có những rủi ro pháp lý nảy sinh, kéo theo những tranh chấp, kiện tụng lẫn nhau. Vì vậy, khi Bà con giao kết Hợp đồng vay, nên lựa chọn một trong hai hình thức quy định về thời hạn trả nợ như sau:
1. Ghi thời hạn trả nợ bằng mốc thời gian cố định.
Ví dụ 5: Không muộn hơn ngày 30 tháng 12 năm 2020, Bên B phải trả đầy đủ số tiền đã vay là 01 tỷ đồng cho Bên A; Hoặc: Thời hạn vay là 06 tháng, tính từ ngày 01/02/2020, Bên B phải trả nợ đầy đủ cho Bên A ngay khi hết thời hạn vay này.
2. Ghi cụ thể thời hạn báo trước
Tức là Hợp đồng vay vẫn thuộc loại Hợp đồng không kỳ hạn, không ghi thời hạn trả vào thời điểm nào, nhưng phải ghi rõ thời gian báo trước.
Ví dụ 6: Bên A có quyền yêu cầu Bên B phải trả đầy đủ số tiền 01 tỷ đã vay, vào bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho Bên B biết trước 60 ngày.
Ngoài ra, để tránh tranh chấp việc đã nhận được thông báo hay chưa, hình thức thông báo thế nào, thì các bên phải ghi rõ luôn hình thức thông báo.
Ví dụ 7: Bên B mặc nhiên được coi là đã nhận được thông báo yêu cầu trả nợ của Bên A, khi tin nhắn từ điện thoại Bên A xác định đã gửi tin nhắn thành công, bất kể Bên B có đã xem tin nhắn hay chưa. Bên B bảo đảm, số điện thoại đã cung cấp cho Bên A là chính xác và luôn hoạt động. Phải quy định như vậy, nhằm hạn chế việc tranh cãi là chưa nhận được tin nhắn, chưa nhận được thông báo, kiểu như "Thuê bao quý khách vừa gọi có thể ngoài vùng phục vụ".....
Nói chung, nếu mọi thứ đều dựa trên sự tín nhiệm, thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, từ thực tiễn những tranh chấp đã xảy ra, Bà con nên cẩn trọng khi giao kết và thực hiện Hợp đồng này, nhằm tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh.....
---------------------------
Viết tại Sài Gòn, ngày 16/11/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn