BÌNH LUẬN VỀ VIỆC XEM TIỀN MÃ HÓA LÀ TÀI SẢN VÀ THU THUẾ ĐỐI VỚI TIỀN MÃ HÓA (LTCNN)

Tiền mã hóa có thể được xem là một loại tài sản. Bên cạnh đó, xem xét một số cách phân loại, định danh khác đối với tiền mã hóa nói riêng và tài sản mã hóa nói chung như chia tài sản mã hóa thành 02 loại: có tính chất giống với chứng khoán hoặc như một loại hàng hóa. Cụ thể, báo cáo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp đã đề xuất cách phân loại này dựa trên tính năng, công dụng của từng loại tiền (hay tài sản) mã hóa cụ thể.

Việt Nam cần xây dựng và ban hành mới hoặc là sửa đổi pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các hình thức giao dịch mới, các loại tài sản mới nhằm hạn chế rủi ro, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia. Hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh đối với tiền ảo:

 Một là, cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự

Việc ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản thì việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo... Đồng thời, tạo ra một khung pháp lý dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản...).

Hai là, cần coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện

Tiền ảo có một đặc điểm là tính ẩn danh rất cao, việc kiểm soát danh tính của chủ sở hữu các ví tiền ảo rất khó. Điều này dẫn đến thực trạng, hoạt động liên quan đến tiền ảo trong cả các giao dịch thông thường hay các hoạt động phạm tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như các hoạt động phi pháp khác rất khó kiểm soát. Vì vậy, cơ chế pháp lý đối với tiền ảo cũng không thể tương đồng như với các loại tài sản thông thường, mà cần phải coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện.

Ba là, đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Giả dụ như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền ảo được phát hành, giao dịch… và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Bốn là, cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa và các công ty trung gian

Cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể về hoạt động chào bán tiền mã hóa ra công chúng (ICO). Theo đó, những hoạt động ICO không được đăng ký đều coi là không hợp pháp; đồng thời các tổ chức cá nhân thực hiện ICO không đăng ký có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Đây là những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực này.

Năm là, cách đánh thuế đối với tiền mã hóa

Khi đã coi tiền mã hóa là một loại tài sản và cho phép nó lưu thông thì phải coi các thu nhập từ hoạt động phát hành, mua bán, giao dịch, môi giới tiền ảo… là thu nhập chịu thuế. Nghiên cứu cho thấy, việc không thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh và giao dịch tiền ảo có thể làm giảm thiểu một nguồn thu rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đánh thuế đối với thu nhập từ tiền ảo, như: Anh, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Australia... Thực trạng về tiền ảo và kinh nghiệm của các nước cũng chỉ ra rằng, hoàn toàn có cơ sở để tính thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại áp dụng một loại thuế và mức thuế khác nhau đối với tiền ảo tùy thuộc vào đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước. Phù hợp với xu thế chung đó, pháp luật về thuế Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.

Việc đánh thuế tiền điện tử phụ thuộc vào loại hoạt động được thực hiện. Trường hợp giao dịch tiền điện tử được thực hiện trong quá trình kinh doanh thông thường, lợi nhuận thu được từ đó sẽ phải chịu thuế thu nhập. Trong trường hợp tiền điện tử được mua cho các mục đích đầu tư dài hạn, lợi tức vốn thu được từ đó sẽ không phải chịu. Trong trường hợp tiền điện tử được sử dụng để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ bị đánh thuế trên giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ nói trên, do tiền điện tử không phải là tiền pháp định (fiat) và không phải đấu thầu hợp pháp. Hơn nữa, tiền điện tử được coi là tài sản vô hình cho mục đích đánh thuế thu nhập. Do đó, các giao dịch với tiền điện tử được sử dụng làm thanh toán sẽ được coi là giao dịch hàng đổi hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ luật Dân sự năm 2015

Hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo,  https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=69202&CategoryId=0 , đăng tải ngày 07/10/2022 [truy cập ngày 01/10/2022]

Trần Văn Biên, Nguyễn Minh Oanh, “Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay”, https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Tien-ao-va-mot-so-van-de-phap-ly-114 , đăng tải ngày 20/01/2021 [truy cập ngày 02/10/2022]

Lê Hồng Thái, “Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210822 , đăng tải ngày 18/08/2021 [truy cập ngày 02/10/2022]

Lưu Ánh Nguyệt, “Tài sản mã hóa và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính của Việt Nam”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM221686 , đăng tải ngày 18/11/2021 [truy cập ngày 02/10/2022]

Báo cáo Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138143 , đăng tải ngày 03/08/2020 [truy cập ngày 02/10/2022]

Nguyễn Ngọc Hồng Dương, “Tiền kỹ thuật số: Rủi ro và giải pháp phòng ngừa”, http://vjst.vn/vn/tin-tuc/4716/tien-ky-thuat-so--rui-ro-va-giai-phap-phong-ngua.aspx , đăng tải ngày 03/06/2021 [truy cập ngày 03/10/2022]

Tính pháp lý của tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay, https://kiemsat.vn/tinh-phap-ly-cua-tien-ma-hoa-tai-viet-nam-hien-nay-64401.html , đăng tải ngày 24/09/2022 [truy cập ngày 03/10/2022]

Tobias Adrian, Dong He, Aditya Narain , “Global Crypto Regulation Should be Comprehensive, Consistent, and Coordinated”, https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2021/12/09/blog120921-global-crypto-regulation-should-be-comprehensive-consistent-coordinated , đăng tải ngày 09/12/2021 [truy cập ngày 03/10/2022]

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn