PHÂN BIỆT “HỦY BỎ HỢP ĐỒNG’’ VÀ “CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG TRƯỚC THỜI HẠN’’: PHÒNG TRÁNH RỦI RO DO NHẦM LẪN PHÁP LÝ!

Trong quy định của pháp luật, có hai thuật ngữ, hai hành vi pháp lý mà nội hàm và hệ quả của nó, hoàn toàn khác xa nhau, tuy nhiên lại thường được một số Bà con nhầm lẫn là cùng một loại - Đó là: “Hủy bỏ hợp đồng” và “Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”. Ngay cả một số Trang báo lớn đưa tin về các vụ việc có liên quan cũng nhầm lẫn, khi đã đồng nhất hai khái niệm này là một, và sử dụng thay thế cho nhau.
Việc nhầm lẫn những khái niệm pháp lý, có nội hàm và hệ quả khác xa nhau, sẽ dẫn đến những rủi ro pháp lý vô cùng to lớn, mà đôi khi rất khó để khắc phục, đưa lại cho các bên những tranh chấp, kiện tụng kéo dài, tốn kém chi phí và thời gian. Vì vậy, trong Bài viết này, Tác giả sẽ làm rõ một số vấn đề có liên quan, để Bà con hiểu, nhận diện và tham khảo, nhằm vận dụng khi cần thiết.
Khi Các bên giao kết hợp đồng và hợp đồng đã phát sinh hiệu lực, thì Các bên bị ràng buộc bởi các quyền và nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng, pháp luật có liên quan. Nghĩa rằng, thông thường Các bên sẽ phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, cho đến khi hợp đồng được hoàn thành. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà khi xảy ra những yếu tố nhất định, thì hợp đồng bị chấm dứt/hủy bỏ khi mà các bên chưa hoàn thành, tức là chưa thực hiện xong hợp đồng, hai trong số các trường hợp đó là: Hủy hợp đồng hoặc Chấm dứt hợp hợp đồng trước thời hạn:
1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, hiểu nôm na là xóa hết mọi ràng buộc được thiết lập từ thời điểm đã giao kết hợp đồng, do đó các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về bồi thường, phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở đó, Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, hiểu nôm na xem như chưa có chuyện gì xảy ra liên quan đến việc thỏa thuận ràng buộc nghĩa vụ, trừ quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường, phạt vi phạm.
2. Khi hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực trước thời hạn, thì hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực từ thời điểm các bên thỏa thuận, hoặc từ thời điểm bên còn lại nhận được thông báo chấm dứt, có nghĩa rằng hợp đồng vẫn phát sinh hiệu lực từ thời điểm giao kết cho đến thời điểm chấm dứt (Mà không phải xóa hết như hủy hợp đồng). Trên cơ sở đó, Các bên phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong giai đoạn hợp đồng có hiệu lực, mà không phải là hoàn trả cho nhau những gì đã nhận như hủy hợp đồng. Chỉ kể từ sau thời điểm hợp đồng chấm dứt, thì Các bên mới không còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, ngoại trừ thỏa thuận về bồi thường, phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp.
Ví dụ: Ngày 01/01/2021, Ông A ký hợp đồng mua của Bà B 30 tấn gạo. Theo đó, 10 tấn gạo đầu tiên được giao trước ngày 01/02/2021, 10 tấn tiếp theo giao trước ngày 01/03/2021, và 10 tấn cuối cùng giao trước ngày 01/04/2021. Giả định, 10 tấn gạo đầu tiên giao đúng thời hạn; Tuy nhiên, 10 tấn gạo tiếp theo bị giao trễ mất 05 ngày (Giao sau ngày 01/03/2021) – Trong trường hợp này: (i) Nếu Ông A chọn phương án hủy hợp đồng, nghĩa rằng hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực từ thời điểm giao kết, cho nên 10 tấn gạo Ông A đã nhận của đợt 1, phải giao trả lại cho Bà B, nếu Bà B đã nhận tiền thanh toán đợt này thì cũng phải hoàn trả lại cho Ông A, còn đợt 2 và 3 các bên đương nhiên sẽ không thực hiện nữa, vì hợp đồng đã hủy; (ii) Còn nếu Ông A chọn phương án đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, và ra thông báo gửi cho Bà B, giả định Bà B nhận được thông báo vào ngày 03/03/2021, thì hợp đồng của Các bên vẫn phát sinh hiệu lực từ ngày ký 01/01/2021 cho đến ngày 03/03/2021, vì thế 10 tấn gạo mà Ông A đã nhận đợt 1 không phải trả lại cho Bà B, và nếu Bà B chưa nhận được thanh toán, thì có quyền yêu cầu Ông A phải thanh toán cho 10 tấn gạo đợt 1 này, còn đợt 2 và 3 các bên đương nhiên sẽ không thực hiện nữa, vì hợp đồng đã bị chấm dứt.
Trong thực tế, trường hợp mà Bà con ta và thậm chí cả một số Công chứng viên, hay bị nhầm lẫn giữa hủy hợp đồng và chấm dứt trước thời hạn, đó chính là việc cho thuê nhà, thuê đất, thuê tài sản. Ví dụ: Các bên ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, hoặc nhà với thời hạn 10 năm, nhưng nay hợp đồng mới được 5 năm, thì Các bên đều có mong muốn là chấm dứt hợp đồng, tức không thuê nữa. Trong tình huống này, đáng ra thay vì các bên sẽ ký một văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nghĩa rằng 5 năm đã thuê trước đây vẫn có hiệu lực, bên thuê phải thanh toán tiền thuê cho 5 năm đó; Thì các bên lại ký hoặc được Công chứng viên tư vấn ký văn bản hủy bỏ hợp đồng thuê đã ký, điều đó đồng nghĩa với việc xem như hợp đồng đã ký trước đây không phát sinh hiệu lực, nếu như vậy, sẽ dẫn đến hệ quả là hai bên hoàn lại cho nhau những gì đã nhận, tức Bên cho thuê phải trả lại tiền đã nhận cho Bên thuê trong 5 năm thực tế đã thuê, vậy rồi việc Bên thuê đã sử dụng nhà, đất trong 5 năm đó, thì hoàn trả lại bằng gì? Thực tế, dựa trên bản chất sự thật, khi có tranh chấp, để bảo vệ quyền lợi của Bên cho thuê, Tòa án sẽ quy số tiền đó thành tiền bồi thường, nghĩa rằng Tòa đã phải cố xử lý hệ quả cho một hợp đồng hủy, giống như chấm dứt trước thời hạn, vì vốn dĩ trường hợp này không phải hủy, mà phải là chấm dứt trước thời hạn. Cách xử lý của Tòa như vậy rất hợp tình, nhưng không hợp lý, nếu dựa trên quy định của pháp luật, mà nguyên nhân là do Các bên đã bị nhầm lẫn về pháp lý, không hiểu rõ nội hàm các quy định - Nhưng lưu ý rằng, không phải mọi sự vụ đều có thể dễ dàng xử lý kiểu khắc phục, chữa cháy như thế.
Từ những phân tích nêu trên, cho thấy việc nhầm lẫn nội hàm các quy định pháp lý, đôi khi để lại những rủi ro rất tai hại, mà không phải lúc nào cũng có thể khắc phục được như một số ví dụ nêu trên, nghĩa rằng, có những trường hợp khi có nhầm lẫn, hậu quả sẽ khôn lường. Việc Bà con ta bị nhầm lẫn là điều có thể hiểu được, vì như đã nói, những Trang báo lớn còn bị nhầm lẫn, thậm chí những Người có chuyên môn còn bị nhầm, huống chi Bà con ta – Tuy nhiên, lập luận đó, không bao giờ có hiệu lực tại Tòa, khi có tranh chấp. Cho nên, Bà con cố gắng tìm hiểu, để tránh những rủi ro, tranh chấp, kiện tụng nhau không đáng có.
---------------------------
Viết tại Sài Gòn, ngày 16/11/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn