BỐN ĐỘNG CƠ ĐỘC HẠI CỦA CON NGƯỜI - THAM VỌNG, NÓNG GIẬN, SỢ HÃI VÀ THAM LAM.

Theo cuốn sách “Làm ít được nhiều” viết rằng: Từ thuở khai sinh nhân loại, những cảm xúc cơ bản của con người – tham vọng, nóng giận, sợ hãi và tham lam – đã luôn thúc đẩy chúng ta mưu cầu của cải. Bốn động lực này đã vận động tương đối tốt trong hàng thiên niên kỷ, chúng khiến cho chúng ta hành động nhằm đạt được những mục tiêu ta mong muốn, và “nhiều hơn” lúc nào cũng được xem là “tốt hơn”. Trong cuộc sống đương đại, để sinh tồn không khó như xưa, và những nỗ lực của chúng ta không hề bị kiềm hãm bởi những giới hạn bên ngoài ví dụ như nạn khan hiếm thức ăn. Tuy nhiên, bởi nỗi lo sợ không có đủ, chúng ta làm nhiều hơn một cách vô ích, thậm chí là đến mức khủng hoảng. Bị điều khiển bởi tác động của sự giận dữ do không sớm đạt được những điều mong muốn, chúng ta lại càng làm nhiều hơn nữa.
THAM VỌNG
Tham vọng là tốt khi con người ta lấy đó làm mục tiêu, động lực để vươn tới những thành công lớn hơn trong cuộc sống. Con người có tham vọng, họ sẽ biết bản thân thực sự muốn gì, từ đó hình thành những kế hoạch, định hướng và vạch ra các bước rõ ràng để đạt được mục tiêu một cách hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, tham vọng sẽ là xấu nếu con người không biết cách kiểm soát hành vi và thái độ của mình. Nếu coi tham vọng như một ngọn lửa và bản thân bạn như một con thiêu thân lao vào ngọn lửa đó thì chính là bạn đang tự hủy hoại bản thân mình. Tham vọng quá cao còn khiến nhiều người bị lợi ích che mờ mắt, dễ rơi vào vòng lao lý và đánh mất tất cả những gì trước nay đã dày công xây dựng.
NÓNG GIẬN
Dưới góc nhìn của Y học, Theo Medicinenet, tức giận hay giận dữ (anger có nguồn gốc từ ngôn ngữ cổ Bắc Âu) là một phản ứng cảm xúc liên quan đến việc tâm lý con người khi đang bị đe dọa. Nhiều nhà khoa học phân tích tức giận theo ba phương thức, gồm nhận thức (đánh giá), phản ứng - tình cảm (sự căng thẳng), và hành vi (bỏ chạy và đối đầu). William DeFoore, một chuyên gia về quản lý tức giận, mô tả sự tức giận như một nồi áp suất, và chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.
Sự tức giận thường đi kèm những thay đổi về sinh lý như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, và tăng nồng độ adrenaline và noradrenaline trong máu. Một số người coi tức giận như là một cảm xúc gây nên một phần của phản ứng hoặc chiến đấu hoặc bỏ chạy. Tức giận trở thành cảm giác chủ yếu về các mặt ứng xử, nhận thức và sinh lý khi một người lựa chọn có ý thức để hành động ngăn chặn ngay hành vi đe dọa của một thế lực bên ngoài.
SỢ HÃI
Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên, mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Nó liên quan đến phản ứng sinh hóa phổ quát cũng như phản ứng cảm xúc cá nhân. Nỗi sợ hãi sẽ cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý.
Đôi khi, nỗi sợ hãi bắt nguồn từ những mối đe dọa thực sự nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ những mối nguy hiểm tưởng tượng. Sợ hãi cũng có thể là một triệu chứng của một số tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội, ám ảnh và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Sợ hãi bao gồm hai phản ứng chính đối với một số loại mối đe dọa được nhận thức: Sinh hóa và cảm xúc.
Ngoài ra, sự sợ hãi còn thể hiện trong công việc của con người. Theo chuyên gia tâm lý Nataly Kogan, tác giả của những đầu sách về tâm lý nổi tiếng đã được giới thiệu trên The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, cho biết có ba loại sợ hãi phổ biến nhất ngăn cản con người khi làm việc: Sợ thất bại, Sợ mình không đủ tốt, Sợ làm người khác thất vọng.
THAM LAM
Theo cuốn sách “Làm ít được nhiều” dưới góc nhìn Tâm lý học, Lòng tham (Greed) là khao khát vượt quá quy chuẩn, trái với khuôn khổ hoặc những gì xứng đáng được nhận. Tham lam không đến từ việc mong muốn những điều tốt đẹp mà đến từ sự ích kỷ cá nhân của bản thân và thường gây tổn hại cho người khác hoặc xã hội. Lòng tham có thể thể hiện với bất cứ thứ gì nhưng phổ biến nhất là thức ăn, tiền bạc, tài sản, quyền lực, danh vọng, địa vị, sự chú ý, sự ngưỡng mộ.
Sự tham lam của con người xuất hiện khi vế “muốn có” cao hơn vế “đáp ứng”, hay nó thấp hơn vế “xứng đáng”; tức là sự cân bằng tự nhiên kia bị phá vỡ. Và việc ấy xảy ra trong ba lĩnh vực: của cải, quyền uy và sắc dục. Nói khác đi, con người thường tham lam về ba thứ đó. Bình thường, khi chúng ta “muốn có” những thứ ấy mà được “đáp ứng” hay ta “xứng đáng” thì chúng ta có thể là người giàu có, may mắn, thành công…
Lòng tham của con người là vô hạn, không biết bao nhiêu để được gọi là đủ. Lòng tham được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, lòng tham muốn càng cao thì lại càng khổ nhiều. Nếu con người cứ mãi chạy theo lòng tham thì cuối cùng sẽ mất đi mọi thứ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn