CÁC KHÓA HỌC PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP CÓ GIÚP CỬ NHÂN LUẬT LÀM ĐƯỢC VIỆC??

Mặc dù con đường nghề Luật là rất rộng nhưng xu hướng hiện nay đa phần các bạn cử nhân Luật sau khi tốt nghiệp sẽ nghĩ đến công việc làm nhân viên pháp lý hoặc pháp chế doanh nghiệp, vì suy cho cùng 2 công việc này sẽ gắn với chuyên môn Luật nhiều hơn.
Nếu như Công ty Luật, Văn phòng Luật sư vẫn có những vị trí ưu tiên cho các bạn Cử nhân Luật mới tốt nghiệp thì các doanh nghiệp lại thường chọn những bạn đã có kinh nghiệm từ 1-2 năm để làm pháp chế doanh nghiệp.
Điều này gần như là rất khó đối với các bạn Cử nhân Luật mới tốt nghiệp. Chính vì vậy nhiều bạn đã tìm đến các khóa học pháp chế doanh nghiệp như là một giải pháp để có thể apply vào làm pháp chế doanh nghiệp. Nhưng sự thật nhà tuyển dụng thường không quá quan tâm đến chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo pháp chế doanh nghiệp của bạn vì nó không là cơ sở để khẳng định bạn sẽ làm được việc.
LÀM PHÁP CHẾ DOANH NGHIỆP LÀ LÀM GÌ?
Đây là ngành nghề được ví von là nhà làm luật cho các doanh nghiệp. Công việc:
- Xây dựng quy trình, quy chế nội bộ của doanh nghiệp;
- Rà soát việc thực hiện, chấp hành pháp luật trong doanh nghiệp;
- Tham gia soạn thảo hợp đồng, văn bản, hồ sơ giao dịch;
- Kiểm soát tính pháp lý đối với các văn bản, hợp đồng do Công ty ban hành, ký kết;
- Cố vấn cho ban giám đốc về pháp luật;
- Chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến các hồ sơ, thủ tục như thành lập, thay đổi, đăng ký nhãn hiệu…;
- Quản lý các văn bản, hồ sơ pháp lý của Công ty;
- Các công việc khác theo sự chỉ đạo của quản lý trực tiếp.
DOANH NGHIỆP YÊU CẦU ỨNG VIÊN PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÌ?
Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần hiểu rõ công việc của một pháp chế doanh nghiệp như mình đã liệt kê ở phần thứ nhất. Và để kiểm chứng cho điều đó, bạn hãy thử tìm đọc các tin tuyển dụng vị trí pháp chế doanh nghiệp trên các trang tuyển dụng hiện nay. Đa phần nhà tuyển dụng không ai đề cập đến việc bạn đã học qua khóa học pháp chế doanh nghiệp cả, vậy thì có cần thiết học để đi ứng tuyển vị trí này không?
Bạn nên nhớ rằng, ngoài chuyên môn, kinh nghiệm, các kỹ năng cần thiết cho công việc thì ngoại hình cũng là một điểm cộng, giống như khi bạn có 80% công lực thì lúc này tự nhiên thêm được 20% nữa là đủ 100%.
Một điều quan trọng khác là bạn phải hiểu về ngành hàng của Công ty, một bạn làm pháp chế cho Công ty bảo hiểm thì yêu cầu cũng sẽ khác với một bạn làm pháp chế cho Công ty xây dựng. Như mình hiện đang làm pháp chế cho Công ty xây dựng thì mình cần phải hiểu rất rõ về sản phẩm dịch vụ Công ty, biết thêm một chút về kỹ thuật cơ bản, văn hóa công trình, tình hình thanh toán công nợ, bảo hành… thì mới có thể soạn tốt các hợp đồng thi công hoặc đàm phán hợp đồng với đối tác.
LÀM SAO ĐỂ CÓ KINH NGHIỆM?
Nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên có từ 1-2 năm kinh nghiệm, nhiều người đặt lại câu hỏi: Sinh viên mới ra trường làm gì có kinh nghiệm?
Kinh nghiệm ở đây không phải chỉ tính từ khi bạn ra trường và đi làm mà sẽ tính luôn cả kinh nghiệm bạn tích lũy được khi còn là sinh viên, nhiều bạn đã đi thực tập sớm từ năm 2, năm 3 rồi.
Mình hồi đó cũng không đi thực tập sớm như các bạn cùng khóa nên cũng hơi ngây ngô khi mới ra trường, may mắn cũng làm việc được gần một năm cho một Công ty Luật ở Quận 3. Những bài học ngày ấy luôn có giá trị cho suốt con đường nghề Luật của mình.
Sau này, khi làm việc tại doanh nghiệp mình nhận ra rằng Công ty nào cũng cần có một người biết Luật, nếu bạn không làm việc tại Công ty Luật, Văn phòng Luật sư thì bạn hãy cứ apply làm nhân viên hành chính, nhân sự… rồi bạn cũng sẽ được giao thêm các công việc pháp lý khi có phát sinh. Hoặc nếu không được giao bạn hãy nghĩ ra những công việc pháp lý mình có thể làm cho Công ty, đừng sợ bị thiệt mà hãy coi như đó là một quà tặng.
Thay vì bạn bỏ tiền đi học các khóa học không giúp mình làm được việc, tại sao không apply hẳn vào doanh nghiệp để được giao những công việc đó, lúc này kết quả bạn làm lại được đánh giá bằng chính người quản lý/chủ doanh nghiệp chứ không phải một chứng chỉ được cấp bởi một trung tâm nào đó.
Khi đi làm rồi bạn mới nhận ra mình thiếu cái gì hoặc sếp bạn sẽ nói cho bạn biết bạn thiếu cái gì, cần học thêm cái gì? Khi đó hãy học những cái đó còn chưa muộn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn