KINH NGHIỆM TỪ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG NHẬT BẢN ĐỐI VỚI VIỆT NAM (LHCCN)

1.     Kiến nghị và giải pháp hoàn thiện đối với việt nam

Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ, tham gia những quyết định mang tính chuyên môn. Nên san sẻ công việc cho các cơ quan chuyên môn, để các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện các công việc có yêu cầu về chuyên môn.

Trong hoạt động bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên của Chính phủ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế, phải được Quốc hội phê chuẩn. Thủ tướng Chính phủ là người trực tiếp quản lý thành viên Chính phủ nên giao cho Thủ tướng quyền quyết định.

Bộ Quốc phòng là cơ quan trong bộ máy Chính phủ, pháp luật hiện hành quy định Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nắm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy có sự xung đột trong thẩm quyền, nên giao quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân cho Thủ tướng Chính phủ.

Cải tổ bộ máy, thanh lọc biên chế[1]

·       Thiết lập cơ chế

Nhật Bản đã trải qua 3 lần đại cải cách hành chính (giai đoạn 1960-1970, 1970-1980 và từ 1980 đến nay). Chương trình cải cách hành chính của Nhật Bản được thực hiện với 3 trọng tâm ưu tiên: Cắt giảm chi phí hành chính để hạn chế thâm hụt ngân sách (thực hiện nguyên tắc “mức tối đa bằng 0”, tức mức tăng của ngân sách chi cho hoạt động hành chính so với năm trước phải bằng 0); giảm biên chế viên chức hành chính đi đôi với cải cách lương hưu; giảm số lượng tổ chức kinh tế nhà nước và hợp lý hóa công tác quản lý, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính.

·       Tinh gọn các đầu mối từ Trung ương đến địa phương

Qua hai lần cải cách, bộ máy Chính phủ của Nhật Bản được thu gọn đáng kể. Lần thứ nhất, số bộ giảm từ 23 xuống 12, lần thứ hai giảm còn 11 đầu mối. Trong đó đa số là các “siêu bộ” quản lý nhiều lĩnh vực như: Bộ Quản lý công cộng, Nội vụ và Bưu chính viễn thông; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp... Số lượng cơ quan hành chính cấp vụ và tương đương cũng giảm từ gần 130 xuống dưới 100; cấp phòng và tương đương giảm từ hơn 1.600 đơn vị xuống còn 995 và đang tiếp tục có chiều hướng giảm mạnh hơn nữa trong giai đoạn 3 của cuộc cải cách hành chính.

Đáng lưu ý chính quyền ở Nhật Bản chỉ có 3 cấp là Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã), không có cấp huyện (có các thành phố chỉ định với tiêu chí riêng).

·       Tinh giản biên chế hiệu quả

Luật Tổ chức Chính phủ của Nhật Bản quy định Chính phủ phải được cơ cấu một cách hệ thống, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ trong phạm vi quản lý của mình và không có sự chồng chéo. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ giao số lượng biên chế tối đa cho mỗi bộ. Nếu điều kiện ngân sách khó khăn, việc cắt giảm chi phí nhân sự thực hiện dựa trên nhân sự già hóa và thu hẹp khoảng cách giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi được nhận lương hưu.

·       Chế độ “giám sát hành chính” của Nhật Bản[2]

Năm 1947, Thủ tướng Nhật Bản thành lập Ủy ban Giám sát hành chính Trung ương đã đặt nền móng cho công tác giám sát hành chính. Năm 1948, khi tiến hành đẩy mạnh điều phối tổng hợp và tinh giản bộ máy, Bộ Điều tra hành chính với Ủy ban Giám sát hành chính Trung ương sáp nhập với nhau, thành lập Văn phòng quản lý hành chính thuộc Văn phòng Nội các và thành lập Bộ Quản lý và Bộ Giám sát trực thuộc, đồng thời ban hành “Luật thiết lập Văn phòng quản lý hành chính” để quy định và xác lập vị trí của Văn phòng quản lý hành chính trong hệ thống quản lý hành chính. Năm 1967, Nhật bản thành lập hệ thống cơ quan giám sát hành chính, đứng đầu là Cục Giám sát hành chính. Đối tượng giám sát của cơ quan giám sát hành chính Nhật Bản không chỉ bao gồm cơ quan hành chính nhà nước, mà còn bao gồm các đơn vị có tư cách pháp nhân đặc thù như đơn vị có sự đầu tư, giúp đỡ về tài chính của nhà nước như doanh nghiệp nhà nước, đoàn thể xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập...; không chỉ tiến hành thẩm định, điều tra đối với tài chính của Chính phủ, mà còn đưa công tác giám sát hành chính vào toàn bộ hệ thống hoạt động quản lý của Chính phủ, khắc chế, phòng ngừa tất cả hoạt động quản lý hành chính không hợp pháp, không hợp lý.

* Một số kinh nghiệm rút ra từ sự nghiên cứu quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị ở Nhật Bản[3]

1.     Việc hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả phải là công việc được đặt ra thường xuyên vì mỗi một thời kỳ, mỗi hoàn cảnh cụ thể của tình hình trong nước và quốc tế đặt ra cho hệ thống chính trị những đòi hỏi khác nhau. Kể từ Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản liên tục tiến  hành cải cách (nhất là cải cách bộ máy hành chính) nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, ít nhất là có 4 giai đoạn lớn. Giai đoạn cải cách từ năm 1999 đến nay là mạnh mẽ, căn bản nhất.

2.     Đảng chính trị cầm quyền trong thời gian dài tất dễ nảy sinh chủ nghĩa bè phái. Điều này làm cản trở việc thực hiện các chính sách của đảng cầm quyền và cản trở sự vận hành của bộ máy của hệ thống chính trị. Do vậy, cần phải có biện pháp ngăn chặn sự này sinh và tác động của chủ nghĩa bè phái trong đảng cầm quyền.

3.     Các Bộ trong Chính phủ đều có xu hướng bảo vệ quyền lợi của mình theo kiểu lợi ích phe nhóm. Điều này dẫn tới việc hình thành những “bức tường” vô hình trong quá trình vận hành, cảm trở tốc độ và suy giảm sức mạnh của chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cải cách bộ máy của hệ thống chính trị chỉ thực sự có hiệu quả khi được tiến hành trên quy mô toàn hệ thống chứ không chỉ tiến hành cục bộ ở một bộ phận nào đó.

4.     Sự kết nối của tam giác quyền lực (nhà chính trị, các quan chức, các doanh nghiệp), sự chi phối của các công ty, tập đoàn kinh tế “”sân sau”” sẽ trở thành yếu tố thao túng sự vận hành của bộ máy của hệ thống chính trị và ngăn cản mọi quá trình cải cách tiến bộ nhằm hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xóa bỏ sự liên kết, liên minh “ma quỷ” đó.

5.     Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, việc bãi bỏ hoặc hợp nhất các tổ chức cấp bộ là công việc rất khó khăn, trong khi thiết lập các bộ / ngành mới là một hiện tượng phổ biến và dễ thuyết phục hơn. Trong cuộc cải cách gần đây nhất, Nhật Bản đã tinh giản các cơ quan chính phủ trên quy mô lớn, riêng 23 tổ chức cấp Bộ sẽ được cơ cấu lại thành 13 tổ chức. Thực tế này chỉ cho thấy cần phải có ý chí quyết tâm và sự kiên định trong quá trình cải cách, đổi mới, tinh gọn bộ máy của chính phủ.

6.     Hình thành một hệ thống các tổ chức để đánh giá giá trị và chính sách.[4]

Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của nhiều nước trên thế giới được Việt Nam tham khảo và tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với thực tế nước mình. Chủ trương của Đảng ta là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế

Việt Nam tuy chưa hình thành cơ chế giám sát, hệ thống Cơ quan Giám sát rõ ràng như một số quốc gia, nhất là cơ chế giám sát hoàn thiện như Trung Quốc, nhưng trong lịch sử đã xuất hiện một số cơ quan có chức năng giám sát như “Ngự sử đài”, “Đô sát viện”(10) và ngày nay cũng đã hình thành một số cơ quan được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát, như Quốc hội, HĐND, Ủy ban kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước... Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện chức năng giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát, quyền hạn giám sát và thẩm quyền xử lý kết quả giám sát còn thể hiện ở mức độ khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh “Phòng chống tham nhũng”, tiêu cực và vi phạm pháp luật mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh, nhân dân ta đang kỳ vọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 2013

2. Hiến pháp Nhật Bản 1946

3. Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2020

4. Luật Tổ chức Chính phủ 2015

5. Luật Nội các sửa đổi năm 1999, 2001 (Nhật Bản)

6. Luật Xây dựng văn phòng Nội các (Nhật Bản) 

7. http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3544-ve-che-dinh-nguyen-thuy-quoc-gia-tren-the-gioi-hien-nay.html

8. https://www.cao.go.jp/minister/index.html

9. https://www.homemate-research-public.com/useful/19109_publi_010/

10. https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=322AC0000000005

11. https://timvanban.vn/bo-may-hanh-chinh-nha-nuoc-o-trung-uong


[1] Ngọc Anh: “Cải tổ bộ máy, thanh lọc biên chế ở một số nền công vụ tiên tiến”, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintMagazineStory.aspx?ID=3539&print=true [đăng tải ngày 19/10/2020, truy cập ngày 21/04/2022]

[2] TS. Nguyễn Thanh Tân: “Cơ quan giám sát ở một số quốc gia và kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng”, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202111/co-quan-giam-sat-o-mot-so-quoc-gia-va-kinh-nghiem-goi-mo-cho-viet-nam-trong-phong-chong-tham-nhung-310331/ [đăng tải ngày 18/11/2021, truy cập ngày 21/04/2022]

[3] PGS. TS. Phạm Hồng Thái: “Bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị ở Nhật Bản”, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan---thuc-tien/bo-may-to-chuc-cua-he-thong-chinh-tri-o-nhat-ban--%E2%80%8B.html [đăng tải ngày truy cập ngày 24/11/2019, 21/04/2022]

[4] Một số kinh nghiệm cải cách hành chính của Nhật Bản: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/Ban-in-507.htm?art=31196243585675

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn